Xu hướng bảo vệ chó, mèo đang gia tăng

Chó, mèo là loài vật gần gũi với con người, được xếp vào loài ’’thú cưng" trong nhiều gia đình. Với sự thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là giới trẻ, xu hướng nuôi chó, mèo cảnh đang ngày càng tăng.

Quán hàng tiểu hổ ở xã Hòa Xá giờ vắng như chùa Bà Đanh.

Quán hàng vắng khách


Xuôi về vùng có những quán hàng nổi tiếng đông khách với các tên “Nhà hàng tiểu hổ”, “Đặc sản tiểu hổ” ở xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa (Hà Nội), đi một vòng chỉ thấy quán thiếu vắng bóng khách. Từ 11 giờ đến 13 giờ, cửa hàng có chừng hơn 30 khách, một nửa chọn các món ăn khác ngoài thịt mèo. Khi được hỏi, chủ quán cho biết, giờ đây nhiều người có tâm lý kiêng ăn thịt mèo nên nhà hàng cũng làm thêm nhiều món khác cho khách có lựa chọn.

Chia sẻ về việc sử dụng thịt mèo làm thực phẩm, ông Dư Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa cho hay, những người dân ở Hòa Xá hầu như không ai ăn thịt mèo, người đến các quán ăn thịt mèo chủ yếu là khách du lịch, người ở nơi khác đến. Người dân nơi đây nuôi mèo chủ yếu để bắt chuột chứ không làm thịt. Nguồn nguyên liệu thịt mèo được các quán hàng nhập từ nơi khác, mà chủ yếu là do trộm bắt trong dân, chứ không có hộ nào nuôi mèo để bán thịt cả. Ông Dũng cho hay, do dịch Covid-19, các cửa hàng ăn đều có lượng khách giảm, cửa hàng thịt mèo cũng vậy.

Khảo sát tại các quán hàng bán thịt mèo ở làng Cự Đà, xã Cự Khê, huyện Thanh Oai cũng cho thấy cảnh tượng vắng hoe. Đếm biển hiệu hai dãy đường làng có 10 cửa hàng, thì có tới 4 quán khóa cửa. Các quán ăn trước đây có tiếng như: Thịt mèo Nhà cổ, Nhà hàng Hà Mèo, Giang Béo… quan sát bên trong cũng không có khách. Một chủ quán chia sẻ: “Vài năm gần đây, ngày càng ít người ăn thịt mèo vì nhiều lý do. Nhất là từ hồi dịch Covid-19, lượng khách gần như không có, nhiều quán đã đóng cửa, chủ quán chuyển sang nghề khác…”.

Trên địa bàn phường Dương Nội, quận Hà Đông trước đây có tiếng nhiều quán ăn thịt chó, nay đi dọc các tuyến đường trên địa bàn xã không còn thấy các quán như trước. Bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND phường Dương Nội cho biết: Nắm bắt tâm lý của người dân vài năm trở lại đây, nhất là từ khi có dịch Covid-19, người dân có nhiều lựa chọn thực phẩm khác, không còn cần thịt chó mèo, nhiều người còn nuôi chó cảnh, mèo cảnh như những người bạn trong gia đình.

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên tại phố Nhật Tân - con phố thịt chó nức tiếng Hà thành một thời với hơn 50 nhà hàng lúc nào cũng tấp nập khách nhậu ngày đêm, giờ đây đa số đã nghỉ, chuyển sang ngành nghề khác hoặc không còn kinh doanh thịt chó nữa, chỉ còn manh mún vài hộ vẫn theo nghề cũ.
Tại khu vực có các hàng bán thịt chó sống ở địa bàn phường Tây Mỗ, Nam Từ Liêm, chiều đến, có chừng 6 cửa hàng bày bàn bán thịt chó sống, mỗi hàng chừng 1-2 con, còn 3 quán cửa đóng, biển báo xộc xệch, người dân cho biết, do không bán được nên họ đã nghỉ bán.

Chị T, một tiểu thương ở chợ Tây Mỗ cho biết, nguồn hàng nhập thịt chó, mèo từ nhiều nơi đem đến, như Thanh Hóa, Thái Bình. Khi được hỏi về việc liệu có trại nuôi chó, mèo chỉ để giết thịt hay không thì chị T khẳng định là không có mà chó, mèo thường được nhập trái phép từ Thái Lan, Lào hay chủ yếu được thu mua lại từ những tay “cẩu tặc”, “miêu tặc” trong nước.

Dạo quanh các hàng bán chó, mèo sống trong các chợ, phóng viên nhận thấy có nhiều giống mèo lai, mèo nước ngoài, thậm chí có nhiều con mèo vẫn còn đeo nguyên vòng cổ, chứng tỏ chúng là vật nuôi bị bắt trộm. Mèo Tây và một số mèo lai có lẽ may mắn hơn vì chúng thường không bị giết mà được đem bán lại với giá cao hoặc nếu “khổ chủ” may mắn tìm được mèo bị mất của mình thì có thể chuộc lại với giá khá đắt.

Xu hướng bảo vệ động vật

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng - Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, tổng đàn chó, mèo trên địa bàn TP Hà Nội có khoảng 460 nghìn con; trong đó mục đích chủ yếu để giữ nhà (chiếm 87,5%). Đây là thói quen lâu đời của người dân nông thôn Việt Nam. Các tỷ lệ còn lại với mục đích khác như: Làm cảnh, kinh doanh hoặc để giết thịt. Đối với nuôi mèo chủ yếu để bắt chuột (67,8%); nuôi để làm cảnh 14%, kinh doanh 11% và một số lý do khác cũng là để làm thịt.

Chó mèo là loài vật gần gũi với con người, được xếp vào loài ’’thú cưng". Bên cạnh đó còn được “giao nhiệm vụ” bảo vệ tài sản cho các gia đình, chó nghiệp vụ tìm ra các vụ án, giúp ích trong các vụ cứu nạn hỏa hoạn, tai nạn. Tuy nhiên, chó mèo cũng gây bệnh nguy hiểm cho người đó là bệnh dại, một số bệnh về ký sinh trùng trực tiếp làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Xuất phát từ thực tế trên mà Hội Bảo vệ động vật Thế giới đưa ra những thông điệp đó là tăng cường quản lý, phòng chống bệnh dại, từng bước ngăn chặn việc kinh doanh, buôn bán và giết mổ chó mèo.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, trên thế giới nhiều nước đã và đang tích cực thực hiện có hiệu quả thông điệp này. Hơn nữa, phúc lợi động vật là một vấn đề quan trọng trong các xã hội hiện nay, bạo lực và mất an toàn vệ sinh thực phẩm được các Chính phủ kiểm soát chặt chẽ để cải thiện cuộc sống của con người, trong đó phát triển bền vững là một mục tiêu được theo đuổi không ngừng.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, công tác quản lý đàn chó, mèo, hàng năm các địa phương tập trung tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn chó mèo trên địa bàn quản lý. Tổ chức tiêm phòng vacxin phòng bệnh dại cho đàn chó, mèo đại trà mỗi năm một lần và hàng tháng tiêm phòng bổ sung cho số chưa được tiêm phòng hoặc hết miễn dịch.

Hiện nay, Hà Nội đang tập trung xây dựng vùng an toàn bệnh dại, các quận Tây Hồ, Thanh Xuân và Hoàn Kiếm đã xây dựng xong; các quận còn lại đã có kế hoạch và triển khai các giải pháp để đến năm 2021 thành phố sẽ xây dựng xong vùng an toàn bệnh dại trên địa bàn các quận. Các giải pháp đang được triển khai đó là, tích cực tuyên truyền vận động người dân hiểu biết và tham gia chương trình phòng chống bệnh dại và thực hiện tốt việc tiêm phòng vacxin chó mèo, chỉ đạo quyết liệt việc tiêm phòng bệnh dại đạt tỷ lệ cao. Ở các phường thành lập đội bắt giữ chó thả rông, xử lý chó thả rông ra đường…

Nguồn: thanhnien.vn
Bài viết liên quan
2023/10/24
Nghĩa trang chó mèo ở Hà Nội: Chủ thú cưng tiết lộ “lí do đặc biệt” khi đưa thú cưng đi an táng
2023/10/21
Tìm Chó Mèo Lạc: Nỗi Lo Sợ Gia Đình Tại Hà Nội
2023/10/21
Rớt nước mắt tìm thú cưng
2023/10/21
Người trẻ hướng tới mục tiêu nói không với thịt chó, mèo
2023/10/21
Chú chó nổi tiếng Nguyễn Văn Dúi đã qua đời, được chủ chôn cất sau vườn nhà
2023/09/13
Định danh điện tử cho thú cưng
2023/08/29
Địa chỉ tìm chuộc Chó Mèo trên toàn quốc – cập nhật 2023
2023/08/26
Trạm Cứu Hộ và Phòng Khám Thú Y: Nơi Cung Cấp Tình Thương và Chăm Sóc Cho Thú Cưng
2023/08/26
Chó Mèo Lạc Tại Hà Nội: Sự Lo Ngại và Hy Vọng Trở Về Nhà
2023/08/26
Kinh nghiệm tìm chó mèo lạc