Hà Nội ’nói không’ với thịt chó/mèo?

TTO - Các quận, huyện, thị xã tuyên truyền bằng nhiều hình thức để người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo nhằm tránh nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm (bệnh dại, xoắn khuẩn, tả...) cũng như không gây ảnh hưởng tới hình ảnh thủ đô văn minh, hiện đại.
 
Hà Nội nói không với thịt chó? - Ảnh 1.

Một cửa hàng bán thịt chó sống tại một chợ đầu mối ở Hà Nội - hình ảnh bị cho là gây phản cảm với du khách, người nước ngoài - Ảnh: NAM TRẦN

Đây là một trong những nội dung tại văn bản vừa được UBND TP Hà Nội ban hành về việc tăng cường công tác quản lý nuôi, giết mổ, kinh doanh và sử dụng thịt chó, mèo trên địa bàn. Theo đó, các sở, ngành trên địa bàn phải vào cuộc ngay để hướng tới thay đổi thói quen của người dân khi dùng chó, mèo làm thực phẩm.

Gây phản cảm với du khách, người nước ngoài

Cũng trong văn bản này, UBND TP Hà Nội thừa nhận rằng việc kinh doanh, giết mổ và sử dụng thịt chó, mèo tại Hà Nội thời gian qua đã tạo ra những hình ảnh phản cảm đối với khách tham quan du lịch, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, gây ảnh hưởng tới hình ảnh của một thủ đô "văn minh, hiện đại".

Trong thực tế, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ tại phố Tam Trinh, ngay đoạn đầu cầu Mai Động (quận Hoàng Mai), một đoạn phố dài với gần chục cửa hàng buôn bán thịt chó sống, nhà hàng phục vụ các món chế biến từ thịt chó vẫn hoạt động tấp nập nhiều năm nay.

Chị Th., một chủ sạp bán thịt chó sống ở đây, cho hay trong 10 ngày đầu mỗi tháng âm lịch, các cửa hàng vắng vẻ hơn vì thói quen "kiêng" ăn thịt chó vào đầu tháng tránh xui xẻo. Riêng những ngày cuối tháng, các cửa hàng ở đây tấp nập người mua bán.

Nguồn: tuoitre.vn
Theo chị Th., trung bình mỗi tháng chị bán được khoảng 3 tạ thịt chó sống. Tương tự, tại phố Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy), hàng loạt nhà hàng thịt chó quy mô lớn (1-5 tầng) như Sơn Hải, Chiếu Hoa, Mơ Hoa quán... luôn tấp nập, mỗi ngày tiếp cả nghìn thực khách.

Tuy nhiên, hàng chục quán thịt chó trên đường Âu Cơ (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) từng nổi tiếng một thời như Trần Mục, Hồ Kiếm, A Trang, Anh Tú Xịn, Anh Tú Nhà Kính, Anh Tú Nhà Lá... đã đóng cửa không rõ lý do, chỉ còn duy nhất cửa hàng có tên Anh Tú Béo.

Nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh

Theo chuyên gia truyền thông Phan Kiền, chó không phải là loài động vật nằm trong danh mục cấm săn bắt, mua bán và giết mổ, thịt chó thương phẩm cũng không phải là mặt hàng thực phẩm cấm lưu hành nên rất khó dùng luật để cấm.

Do đó, việc Hà Nội khuyến khích người dân hạn chế, tiến tới không ăn thịt chó là cách làm vừa văn minh vừađúng luật."Hoàn toàn có thể thay đổi một thói quen xấu nếu được truyền thông tốt, mà việc bỏ ăn tiết canh là một ví dụ.

Trước đây các hàng quán "lòng lợn, tiết canh" mọc khắp nơi bởi đây là món khoái khẩu của dân nhậu. Nhưng khi báo chí đưa tin nhiều về các ca nhiễm khuẩn cầu lợn gây tử vong với những triệu chứng khủng khiếp, gần như món ăn này bị tẩy chay, hiện rất ít người dùng món ăn này" - vị này nói.

Trong khi đó, không chỉ những bạn trẻ nuôi chó cảnh làm thú cưng phản đối việc xem chó là một loại thực phẩm, mà ngay cả những người từng xem thịt chó là món "khoái khẩu" cũng ủng hộ việc bỏ ăn thịt chó. Dù từng ăn thịt chó, anh Nguyễn Văn Thuận, một nhân viên văn phòng ở quận Thanh Xuân, cũng ủng hộ chủ trương của Hà Nội.

Theo anh Thuận, một khi thịt chó còn thịnh hành và có giá trị thương phẩm cao, nạn trộm chó vẫn tồn tại và khó tránh khỏi cảnh người trộm chó bị đánh "thừa sống thiếu chết" như đã từng xảy ra.

Ngoài ra nguy cơ lây lan dịch bệnh, đặc biệt là bệnh dại, do hoạt động buôn bán và vận chuyển chó sống giữa các địa phương cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Do đó, muốn hạn chế nạn trộm chó và ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh, cần khuyến khích không nên ăn thịt chó. "Thịt chó cũng ngon và lạ miệng nhưng nếu cấm ăn thịt chó, mình thấy cũng không vấn đề gì vì còn rất nhiều loại thực phẩm khác thay thế" - anh Thuận nói.

Nhà văn Trương Quý: Thói quen đều có thể thay đổi

Mọi thói quen, tập tục không phải không thể thay đổi. Không có gì là bất biến, thói quen tạo ra được thì cũng có thể mất đi. Thói quen ăn thịt chó của người Việt có thể cũng sẽ thay đổi được vào một ngày nào đó.

Loài chó là con vật rất gần gũi với con người nên về mặt văn hóa, tôi thấy văn bản của Hà Nội cũng hay. Nhưng rất khó để đánh giá mong muốn này của Hà Nội có thành công được hay không, bởi trong văn hóa dân gian VN, đến những tao nhân mặc khách một thời cũng ăn thịt chó.

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: Phù hợp xã hội văn minh

Việc Hà Nội muốn tuyên truyền để người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo là phù hợp bởi trong xã hội phát triển, mỗi người cũng có ý thức văn minh hơn, hạn chế ăn những con vật yêu thương. Tuy nhiên, theo tôi, cuộc vận động này chỉ có thể sẽ tác động đến những người còn lưỡng lự giữa việc ăn thịt chó hay không, chứ không ảnh hưởng lắm tới những người coi thịt chó là món khoái khẩu.

Nguonf: tuoitre.vn
Bài viết liên quan
2023/10/24
Nghĩa trang chó mèo ở Hà Nội: Chủ thú cưng tiết lộ “lí do đặc biệt” khi đưa thú cưng đi an táng
2023/10/21
Tìm Chó Mèo Lạc: Nỗi Lo Sợ Gia Đình Tại Hà Nội
2023/10/21
Rớt nước mắt tìm thú cưng
2023/10/21
Người trẻ hướng tới mục tiêu nói không với thịt chó, mèo
2023/10/21
Chú chó nổi tiếng Nguyễn Văn Dúi đã qua đời, được chủ chôn cất sau vườn nhà
2023/09/13
Định danh điện tử cho thú cưng
2023/08/29
Địa chỉ tìm chuộc Chó Mèo trên toàn quốc – cập nhật 2023
2023/08/26
Trạm Cứu Hộ và Phòng Khám Thú Y: Nơi Cung Cấp Tình Thương và Chăm Sóc Cho Thú Cưng
2023/08/26
Chó Mèo Lạc Tại Hà Nội: Sự Lo Ngại và Hy Vọng Trở Về Nhà
2023/08/26
Kinh nghiệm tìm chó mèo lạc